Hệ tiêu hóa

CẤU TẠO, CHỨC NĂNG VÀ VAI TRÒ CỦA HỆ TIÊU HÓA

Không chỉ giúp hấp thụ và chuyển hóa thức ăn, hệ tiêu hóa còn hỗ trợ quá trình sản sinh năng lượng cho cơ thể, sửa chữa và phát triển các tế bào. Bất kỳ cơ quan nào trong hệ xảy ra vấn đề đều ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu dưỡng chất của cơ thể.

1. Tiêu hóa là gì?

Tiêu hóa là quá trình chuyển hóa thức ăn thành các hoạt chất dinh dưỡng, dễ dàng hấp thu qua máu để đi nuôi cơ thể. Nó gồm 2 dạng:
 
  • Dạng cơ học: Quá trình tiêu hóa cơ học xảy ra trong khoang miệng, thực hiện chức năng nghiền nhỏ thức ăn.
  • Dạng hóa học: Quá trình này xảy ra bên trong đường tiêu hóa, sử dụng enzym để phân giải thức ăn thành các phân tử nhỏ, đảm bảo cơ thể có thể hấp thu dễ dàng.

2. Hệ tiêu hóa là gì?

Hệ tiêu hóa có cấu trúc hình ống, kéo dài từ miệng tới hậu môn gồm 7 cơ quan với 3 chức năng chính: tiếp nhận, phân hủy thức ăn đào thải các chất cặn bã khỏi cơ thể. Hỗ trợ các cơ quan này trong suốt quá trình hoạt động là 3 cơ quan (gan, mật, tụy) nhằm cung cấp mật, enzyme để phân giải thức ăn thành các phân tử nhỏ, đảm bảo cơ thể có thể hấp thu dễ dàng.

3. Cấu tạo của hệ tiêu hóa

1. Miệng

Quá trình tiêu hóa bắt đầu trước khi nhai. Cụ thể, tuyến nước bọt bắt đầu hoạt động mạnh mẽ khi mắt nhìn, mũi ngửi thấy thức ăn. Khi nhai, răng nghiền nát thức ăn thành từng mảnh nhỏ. Cùng lúc đó, nước bọt tiết ra trộn với thức ăn và bắt đầu phân giải thành dạng cơ thể có thể hấp thụ. Khi nuốt, lưỡi sẽ đưa thức ăn xuống cổ họng và thực quản. 
 

2. Thực quản 

Thực quản dài khoảng 25cm, nối cổ họng với dạ dày và được lót bởi mô màu hồng ẩm gọi là niêm mạc. Các cơn co thắt (gọi là nhu động), có chức năng đưa thức ăn chuyển đến dạ dày. Ngoài ra, thực quản còn giữ cho thực phẩm ở dạ dày không bị trào ngược lên bằng một “van” cơ học.
 

3. Dạ dày 

Dạ dày giống một cái túi gồm nhiều cơ nằm nối tiếp nhau. Dạ dày là nơi tiết ra các hoạt chất enzyme và acid, rồi trộn đều với thức ăn để hỗ trợ quá trình thủy phân protein và dưỡng chất cần thiết một cách dễ dàng. Thức ăn lưu tại dạ dày khá lâu do phải liên tục phân hủy. Sau đó, thức ăn ở dạng chất lỏng hoặc bột nhão sẽ được chuyển đến ruột non.
 

4. Ruột non

Ruột non có cấu trúc dạng ống dài đến 600 cm, sử dụng các enzym tuyến tụy và mật tiết ra từ gan để phân giải thức ăn. Ngoài ra, ruột non liên tục co bóp để vận chuyển thức ăn và trộn với dịch tiêu hóa.
 
Tá tràng là đoạn đầu tiên nối dạ dày với ruột non, tiếp nhận dịch mật từ gan qua ống mật chủ, dịch tụy từ ống tụy chính. Hỗng tràng và hồi tràng nằm phía dưới ruột, thực hiện chức năng hấp thụ các chất dinh dưỡng vào máu. Thức ăn sau khi qua ruột non sẽ chuyển thành dạng lỏng. Nước, mật, enzyme và chất nhầy sẽ góp phần thay đổi độ đặc của thức ăn. Sau khi các chất dinh dưỡng được hấp thụ, chất lỏng còn sót lại của thức ăn sẽ đi qua ruột non và chuyển vào đại tràng.
 

 

5. Tuyến tụy

Tuyến tụy nằm sau dạ dày ở vùng bụng trên bên trái, dài và xốp khoảng 15 – 25 cm, thực hiện đồng thời chức năng nội tiết và ngoại tiết.
 
Tuyến tụy sản xuất các enzyme quan trọng đối với tiêu hoá, gồm: trypsin và chymotrypsin (tiêu hóa protein), amylase (tiêu hóa carbohydrate) và lipase (phân huỷ chất béo). Tuyến tụy đồng thời cũng tạo ra insulin và glucagon truyền trực tiếp vào máu. Insulin là hormone chính thực hiện nhiệm vụ chuyển hóa đường trong cơ thể. Khi mức đường huyết quá cao, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin. Ngược lại, khi mức đường huyết quá thấp thì tuyến tụy tiết ra glucagon.
 

6. Gan

Mật từ gan tiết vào ruột non đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa chất béo và một số vitamin cần thiết. Đồng thời, gan  cũng lấy chất dinh dưỡng được hấp thụ từ ruột non để tạo ra các hoạt chất khác nhau, phục vụ cho hoạt động của cơ thể. Ngoài ra, giải độc cũng là chức năng vô cùng quan trọng của gan.
 

7. Túi mật

Túi mật có chức năng lưu trữ và cô đặc mật từ gan, sau đó giải phóng vào tá tràng ở ruột non để hỗ trợ quá trình hấp thụ và tiêu hóa chất béo.
 

8. Đại tràng (ruột già) 

Xử lý chất thải. Cơ quan này là một ống cơ dài 182 cm, nối ruột non với trực tràng. Phân, hoặc chất thải còn sót lại từ quá trình tiêu hóa sẽ di chuyển qua đại tràng bằng nhu động, bắt đầu ở trạng thái lỏng và kết thúc ở dạng rắn. 
 

9. Trực tràng 

Nối đại tràng với hậu môn, dài khoảng 20 cm. Cơ quan này nhận phân thải ra từ đại tràng, có thể tống phân ra ngoài hoặc giữ phân cho đến thời điểm thích hợp cần thải ra
 

10. Hậu môn 

Là phần cuối cùng của đường tiêu hóa, dài khoảng 5 cm. Cơ thắt hậu môn ngoài là cơ xương được điều khiển bởi dây thần kinh thân thể cho phép kiểm soát việc đại tiện một cách có ý thức.

Tạm kết

Có thể thấy hệ tiêu hóa có vai trò vô cùng quan trọng với con người. Tiêu hóa là một quá trình dài và phức tạp, cần sự tham gia và phối hợp nhuần nhuyễn của nhiều cơ quan bên trong. Bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiêu hóa xảy ra vấn đề thì đều ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu dưỡng chất của cơ thể. Vì vậy khi có bất kỳ triệu chứng nào của đường tiêu hóa như ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi, ợ chua, nóng, táo bón, tiêu lỏng, vàng da, sụt cân…bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

Tags: Tiêu hóa; Hệ tiêu hóa; Men tiêu hóa; Men vi sinh